Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Những cây cầu ở quận Madison – Định mệnh và Niềm tin


 Người đàn ông dù có mạnh mẽ biết bao nhiêu rồi cũng có những phút yếu đuối và rất thật với lòng mình...
Nếu bạn là người từng trải qua một tình yêu đích thực trong đời,một tình yêu vì lý do nào đó không toại nguyện, nếu bạn tin rằng trên đời này tồn tại hai chữ “Định Mệnh” và rằng đâu đó giữa bộn bề cuộc sống vẫn còn có những “tình yêu vĩnh cửu”…Bạn sẽ hiểu vì sao Những Cây Cầu Ở Quận Madison lại có thể làm cho người đọc khắp nơi trên thế giới niềm xúc động đến thế.

Câu chuyện có độ dài 198 trang và những chương được chia nhỏ, xoay quanh từng nhân vật, lối dẫn dắt khách quan của tác giả khiến người đọc thấy mình đang chứng kiến cận cảnh câu chuyện chứ không chỉ còn là đọc và cảm nhận.


Bìa cuốn tiểu thuyết được xuất bản tại Việt Nam

Lấy bối cảnh từ những năm 60, Những Cây Cầu Ở Quận Madison như một thước phim quay chậm đưa ta trở về vùng nông thôn Mỹ, bang Iowa. Câu chuyện bắt đầu với cuộc gặp gỡ kì lạ giữa Robert Kincaid – một phóng viên ảnh của tạp chí National Georgraphic vốn đã quá quen với cuộc sống độc thân, thích tự do tác nghiệp trong nhiều năm– và Francesca Johnson – một phụ nữ Italy giản dị đã có gia đình. Vào một ngày nắng tháng Tám năm 1965, khi Robert Kincaid đang  trên đường đi tìm những cây cầu mái cổ kính tại quận Madison - Iowa để làm tư liệu cho phóng sự ảnh “Những cây cầu ở quận Madison”, anh đã dừng chân trước cửa nhà Francesca để hỏi đường. Lúc này cô đang ngồi trên đu uống trà ở hiên trước, cả gia đình đã đến Hội chợ bang Ilinois. Chỉ năm giây trôi qua trong ánh nhìn nhau thôi, nhưng Francessca biết rằng, Robert Kincaid có một cái gì đó khiến cô không thể rời khỏi anh. “Sau hai chục năm sống khép kín, theo một nếp sinh hoạt trong đó cách hành xử bị hạn chế và cảm xúc phải che giấu theo đúng phép tắc miền quê, Francesca Johnson sửng sốt thấy mình nói: -Vâng tôi sẵn lòng chỉ đường cho anh, nếu anh muốn. Tại sao chị lại xử sự như thế, chị cũng chẳng hiểu, chẳng bao giờ hiểu. Sau từng ấy năm, một cảm xúc chợt đến, cái cảm xúc giống hệt ở một thiếu nữ, như bong bóng trồi lên mặt nước rồi vỡ tung. Chị không bẽn lẽn nhưng cũng không vồ vập. Điều duy nhất chị biết được là không hiểu sao, chỉ sau vài giây nhìn thấy anh, Robert đã cuốn hút chị.” Tình yêu hồi sinh nhưng Francesca phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã giữa tình yêu và bổn phận với gia đình.

Tôi nhận thấy ở Francesca một sức sống mãnh liệt, tiềm tàng qua từng câu chữ, từng miêu tả hành động của cô trong truyện. Tôi chưa từng tin trên đời này lại có những định mệnh hay ràng buộc nhau mãi mãi trong một mối quan hệ nào đấy. Nhưng với Francesca thì khác, ngay cả khi không ở bên Robert, cô vẫn tin tất cả những câu chuyện về anh, và nếu như không kiềm chế được bản thân, rất có thể cô đã lao ngay đến bên anh. Họ chỉ có thể ở bên nhau bốn ngày, nhưng trong bốn ngày đó, dường như Robert Kincaid đã đem lại cho Francesca những gì đẹp nhất, những gì mà cô đã khao khát trong suốt bao nhiêu năm làm vợ và làm mẹ. Sau đấy, cô đã sống trong câm lặng với tình yêu của Robert suốt 14 năm, nhưng cũng tuyệt đối tôn trọng Richard – người chồng hiện tại của mình – trong suốt khoảng thời gian đó bằng cách không liên lạc gì thêm với Robert. Tôi cũng nhận ra rằng người đàn ông dù có mạnh mẽ biết bao nhiêu rồi cũng có những phút yếu đuối và rất thật với lòng mình. Robert Kincaid là người như thế. Sau này khi kể về Francesca cho một người bạn nghe, anh đã khóc – những giọt nước mắt của người đàn ông, lặng lẽ nhưng dai dẳng.

Nhiều khi tôi tự hỏi mình rằng trong trường hợp của Francessca, tôi sẽ giải quyết như thế nào? Biết bao lần đặt câu hỏi, lại bấy nhiêu lần bỏ ngỏ bởi những giằng xé nội tâm bên trong người phụ nữ, giữa trách nhiệm và sự tự do, hi sinh và câm lặng.

"Chúng ta là hai người nằm bên trong một thực thể khác do chúng ta tạo ra và tên nó là "chúng mình", một sự sống với tư cách là một hợp chất của hai chúng ta. Chúng ta là con người. Cả hai chúng ta đều đánh mất mình và tạo ra một thứ, tồn tại như một chất bện xoắn hai chúng ta lại. Lạy Chúa, chúng ta đang yêu. Sâu sắc, thâm trầm như chỉ có thể có khi yêu...
Hãy đi với anh Francesca... Điều này không gây ra nhiều vấn đề lắm đâu. Chúng ta sẽ yêu nhau trên cát sa mạc, chúng ta sẽ uống brandy trên những mái hiên nhà ở Mombasa để ngắm nhìn những con diều vùng sa mạc ả Rập lướt cánh trong ngọn gió đầu tiên của buổi ban mai. Anh sẽ chỉ cho em xem chỗ trú ngụ của sư tử, ta sẽ đến một thành phố kiểu Pháp xưa cũ nằm trong vịnh Bengal với một quán ăn tuyệt vời đặt trên nóc nhà, những đoàn tàu hoả dẫn đến những con đường khuất nẻo trên núi cũng như những quán ăn nhỏ vùng Pyresnees. Còn nữa, ở phía Nam ấn Độ có một hòn đảo nằm giữa một cái hồ mênh mông, nơi đó người ta dành để nuôi cọp... Còn nếu em không muốn đi du lịch, anh sẽ mở một cửa tiệm đâu đó và anh sẽ trở thành thợ chụp ảnh địa phương, anh sẽ chụp chân dung hay bất cứ cái gì để chúng ta sống."

Có lẽ trên đời này, thứ quý giá nhất chính là “cái không có được” và “cái đã mất  đi”. Tình yêu vĩnh cửu cũng vậy, chúng ta cho rằng nó “vĩnh cửu”, bởi chúng ta đã đi chẳng thể cầm nắm được vào nó, mà chỉ có thể cảm nhận với một niềm tin bất diệt rằng nó có thật.

“Anh có một điều muốn nói, một điều duy nhất; anh sẽ không bao giờ nói lại lần nữa, với bất cứ ai, và anh yêu cầu em nhớ: Trong cái vũ trụ đầy nhập nhằng, thứ chắc chắn trong tay như thế này chỉ đến một lần duy nhất và không bao giờ có nữa, dù em có sống bao nhiêu cuộc đời.”

Trong truyện tôi thích nhất đoạn lá thư gửi giữa hai người, nhưng ấn tượng nhất lại là tình tiết phút thật lòng của người chồng Francesca. Trước khi Richard qua đời, Francesca đã ngồi bên ông trong bệnh viện ở Des Moines, ông đã nói rằng: “Francesca, anh biết em có những giấc mơ riêng. Anh rất tiếc đã không đem lại được cho em những giấc mơ ấy.” Giây phút ấy là khoảnh khắc cảm động nhất trong cuộc sống chung giữa Richard và Francesca, chẳng biết từ lúc nào nước mắt tôi cũng rơi theo.

Câu chuyện đã mang lại cho tôi nhiều giá trị tinh tuý về  Tình Yêu, về lẽ sống. Nếu bạn theo dõi câu chuyện, và có thiện ý xua dần nỗi hoài nghi, tôi tin bạn cũng sẽ trải nghiệm những điều tôi đã trải nghiệm. Thậm chí, bạn có thể nhận thấy – như Francesca Johnson – những khoảng hững hờ của con tim bỗng lại rộn ràng.

LiênĐọc Những cây cầu ở quận Madison của tác giả Robert James Waller

Không có nhận xét nào: